Em thân mến!
Một lần kia khi có dịp ghé thăm quý Sơ Hội Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội, thầy thấy trên tường nhà may có gắn một bức phù điêu hình con chim gì đó, nó đang dùng mỏ tự mổ vào thân mình để những giọt máu chảy ra rơi xuống, và phía dưới là một đàn chim con đang há mỏ để nuốt lấy dòng máu của chim mẹ. Hình như là loài bồ nông – thầy không chắc lắm, vì có nghe vài Sơ nói vậy. Nhưng một bức phù điêu như vậy lại được treo trong nhà dòng chắc không phải để trang trí em nhỉ? Hẳn là nó mang một ý nghĩa tâm linh, hay hình ảnh tiên trưng trong tôn giáo?
Chắc em cũng đoán được, nhưng thầy vẫn chưa muốn nói với em về những sự “trên trời”, ta nói chuyện “dưới đất” cái đã.
Em biết không? Khi còn nhỏ, thầy vẫn bị bà mắng là:“Mở mắt ra mà xem! bố mẹ thì cứ nai xương nai xác ra làm, con thì lêu lổng, không lo học hành gì cả”. Cái thuở còn học “ I-Tờ”, bảng cửu chương còn chưa thuộcthì hiểu sao được “nai xương nai xác” là gì em nhỉ? Cho đến một ngày kia…
Khi đang đạp xe từ trường Đại học về nhà trọ, thầy bỗng thấy một ông lão, chắc ngoài 60 hoặc trẻ hơn nhưng những nỗi khốn khổ cực nhọc cứ in hằn trên khuôn mặt hom hem đen đúa ấy. Người đàn ông này đang nhọc nhằn xúc các xẻng cát vào cái xe cải tiến để chở vào sâu trong hẻm nơi người ta đang xây dựng. Dưới cái tiết trời oi bức nóng như đổ lửa ấy, có ngồi trong phòng trọ bật quạt người ta vẫn còn thấy khó chịu chứ huống gì là lao động ngoài trời.
Thế rồi một lần kia, vì phải ở lại lớp muộn hơn một chú,t nên khi xong việc là thầy tức tốc đạp xe về nhà trọ vì quá đói và nghĩ đến cơm bạn đang đợi. Bất chợt, những vòng quay bánh xe như chậm lại trước hình ảnh ông lão ấy đang ngồi dưới gốc cây để nhai chiếc bánh mì khô với nước đựng trong chai Cocacola cáu bẩn. Cảnh tượng ấy khiến thầy cứ thơ thẩn mãi chẳng còn muốn đạp xe thật nhanh để về nữa. Thì ra “nai xương nai xác” mà bà vẫn nói là đây em ạ!
Tất cả cũng là vì gia đình, vợ con, lao động cả ngày mất sức như vậy mà chỉ dám ăn vội chiếc bánh mì khô với nước lã rồi lại tiếp tục vắt kiệt sức để làm việc, vì có thể ông lão vẫn phải lo cho đàn con đông đúc.
Em à! làm cha mẹ là vậy đấy, nuôi con là nuôi bằng chính sự sống của mình, con lớn lên cũng là lúc sức khỏe hao mòn. Mỗi người chúng ta đang lớn lên như thế đấy, “hút lấy” sức sống mẹ cha, không biết em có cảm thấy vậy không khi mỗi lần về nhà thấy bố mẹ già hơn thì phải?
Biết làm sao được em nhỉ, người ta gọi đó là “nợ đồng lần” nghĩa là sau này em làm cha, làm mẹ em cũng nuôi con như vậy thôi. Con người là thế! nhưng ngay cả con vật cũng vậy, như con bồ nông mẹ rỉa da thịt mình để lấy máu nuôi con trên bức phù điêu đó em. Sao lại có sự kì diệu và tình yêu vĩ đại đến thế em nhỉ?
Chắc hẳn Đấng đã dựng nên con người và vạn vật phải là một nghệ sĩ với trái tim đầy tình yêu thương mới có thể tạo nên những “kiệt tác” như vậy phải không em? Chắc chẳng có nhạc sĩ nào lòng đầy hận thù mà lại sáng tác được những giai điệu trữ tình sâu lắng; chẳng có trái tim nhà thơ nào nhỏ nhen ích kỷ lại viết nên những vần thơ bay bổng ca ngợi tình yêu thương con người; chẳng có kiệt tác nghệ thuật nào đem lại sự bình an thẳm sâu cho người thưởng thức mà tác giả của nó lại là người yêu chiến tranh phải không em?
Có vậy ta mới hiểu được lời thánh Gioan: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Chỉ có Đấng là Tình Yêu trọn vẹn và dạt dào mới để cho tình yêu ấy chảy tràn vào những thụ tạo của Ngài, khiến nó cũng cư xử và mang dáng dấp tình yêu của Đấng dựng nên nó.
Vậy em đừng bao giờ nói rằng em không thấy Thiên Chúa của em nhé! Hãy nhìn vào tình yêu nơi thế giới này để ‘cảm nhận’ và ‘thấy’ Ngài bằng con mắt đức tin nhé em!
Đến đây có thể em sẽ thắc mắc sao lại viết cho em điều này nhân ngày lễ cầu nguyện cho ơn thiên triệu nhỉ?
Em thân mến, có lời bài hát khi chầu Thánh Thể: “Chịu chết cho đời lòng chưa nguôi, còn lối lại Mình Thánh chứa chan…”. Đức Giêsu chịu chết cho con người nhưng chưa thỏa trái tim đầy tình yêu của Ngài, Ngài còn muốn chăm sóc dưỡng nuôi đàn con như người cha người mẹ, là lấy chính Máu Thịt, chính sự sống của Ngài để cho chúng ta được sống dồi dào bởi:“Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời” (Ga 6, 54).
Hết thảy những ai dâng hiến đời mình cho Chúa, cách nào đấy cũng tiếp tục sứ vụ làm “cha, mẹ” thiêng liêng của đoàn chiên Chúa trao phó; cách đặc biệt là các linh mục, người mà chúng ta vẫn gọi các ngài là “Cha”. Tiếng “Cha” ấy thật thân thương và thiêng liêng phải không em? Em hãy cầu nguyện để các linh mục sẽ trở thành những người cha thực sự đối với con cái mà Chúa đã trao phó cho các ngài. Làm cha là phải hy sinh cho con cái; làm cha là phải hao mòn đi sự sống để trao ban sự sống ấy cho con. Đó là quy luật để trở thành cha mẹ mà tạo hóa đã đặt vào thế giới này. Em hãy cầu nguyện cho các linh mục em nhé; cũng cầu nguyện cách riêng cho thầy nữa!
Bởi thầy sợ rằng con người thời đại hôm nay không cần “cha” nữa, họ chỉ cần “linh mục” thôi! Họ chỉ cần người dâng lễ ngày Chúa nhật, cử hành bí tích Hôn phối tại nhà thờ, vậy thôi, vì người ta dễ coi linh mục là nghề nghiệp mà! Vì là nghề nên họ chấp nhận các linh mục tầm thường thôi, thậm chí họ thích linh mục như vậy, vì có vẻ dễ tiếp cận hơn. Họ không cần cha nữa, vì thế họ cũng chẳng cần thấy phải yêu thương cha và cầu nguyện cho cha em ạ.
Em thân mến, “thế giới này cần linh mục, những linh mục thánh thiện” là lời mà thánh Têrêxa Calcutta đã và đang nói với thế giới này, nói với chính thầy và em đấy. Hãy cầu nguyện để Chúa ban cho thế giới này các linh mục như lòng Chúa mong ước!
Thân ái chào em!
Totus Tuus – Tất Cả Là Của Ngài
Phân khoa thần học, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội
Leave a reply